VNU - IFI: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực kinh doanh số

Thứ hai - 29/07/2024 15:39

Từ năm học này, Khoa Quốc tế Pháp ngữ mở mới Chương trình Cử nhân Kinh doanh số (Digital Business), hướng tới đào tạo nguồn nhân lực kinh doanh số chất lượng cao, có phẩm chất chính trị, đạo đức kinh doanh chân chính, cung cấp kiến thức chuyên môn về kinh tế và kinh doanh ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi kỹ thuật số.

banner website kinh doanh so 1 (1)

Khoa Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN (VNU-IFI) có kinh nghiệm 30 năm đào tạo thạc sỹ Công nghệ thông tin, Fintech, Truyền thông số và định hướng trở thành một tổ chức xuất sắc có trình độ quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo đa ngành với cốt lõi đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ thông tin, đặc biệt là thông tin truyền thông, kinh doanh - quản lý, công nghệ tài chính, khoa học nhân văn số. Từ năm học này, Khoa Quốc tế Pháp ngữ mở mới Chương trình Cử nhân Kinh doanh số (Digital Business), hướng tới đào tạo nguồn nhân lực kinh doanh số chất lượng cao, có phẩm chất chính trị, đạo đức kinh doanh chân chính, cung cấp kiến thức chuyên môn về kinh tế và kinh doanh ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi kỹ thuật số.

Xuất phát từ nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kinh doanh số

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã tạo ra những thay đổi lớn trong cách thức cạnh tranh của các doanh nghiệp bên cạnh sự hình thành và phát triển của ngành mới là sự bão hoà của một số ngành trước đây từng được xem là lợi thế. Theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum), đến năm 2025, nhu cầu nhân lực có kỹ năng số vẫn tiếp tục tăng cao, đặc biệt các việc làm về chuyển đổi số, phân tích dữ liệu, công nghệ tài chính... luôn được ưu tiên hàng đầu. Tại Việt Nam, xét trên bình diện chung, bản chất cơ bản của CMCN 4.0 là cuộc cách mạng số nhưng nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực lại quá ít hoặc các ngành gần lại hoàn toàn thiếu các kỹ năng số hoá để thích ứng với thị trường việc làm tương lai. Thực trạng này cho thấy việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao liên quan tới công nghệ số hóa là vô cùng cấp thiết.

Kinh doanh số (Digital Business) hiện nay vẫn được coi là một khái niệm mới ở Việt Nam và trên thế giới, nhưng lại có tiềm năng phát triển mạnh và gắn chặt với phát triển kinh tế số, một trong những nội dung quan trọng của chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Thuật ngữ này diễn tả việc sử dụng công nghệ để (i) nâng cao giá trị của các sản phẩm, dịch vụ truyền thống, và (ii) tạo ra giá trị mới trong các mô hình kinh doanh, trải nghiệm của khách hàng và cả hỗ trợ nội bộ trong doanh nghiệp của mình. Kinh doanh số không dành riêng cho những doanh nghiệp chỉ sử dụng kỹ thuật số, mà còn là những doanh nghiệp truyền thống đang chuyển đổi mô hình của họ hoặc phát triển bằng công nghệ kỹ thuật số.

Hiện nay, Việt Nam đang là quốc gia thuộc nhóm có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế số. Trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện xu hướng số hóa ở nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế… Đến nay, Việt Nam có khoảng 64 triệu người dùng internet, trung bình 1 ngày người Việt dành 3 giờ 12 phút sử dụng internet trên thiết bị di động như điện thoại thông minh và theo tỷ lệ trung bình trong khu vực, việc sử dụng tập trung vào nhóm các ứng dụng mạng xã hội và truyền thông liên lạc (52%), ứng dụng xem video (20%) và game (11%), cùng các ứng dụng cho công việc.

Có thể thấy, kinh doanh số đang là một xu hướng tất yếu và đang là mục tiêu chuyển đổi trong hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Thực trạng trên cho thấy nhu cầu của Việt Nam về nhân lực ngành kinh doanh số đã xuất hiện rõ nét, đang gia tăng và sẽ ở mức cao trong tương lai gần. Việc phát triển nguồn nhân lực số là tất yếu trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động ở Việt Nam hiện nay.

Trong bối cảnh ấy, Khoa Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN đã nghiên cứu xây dựng ngành Kinh doanh số bậc cử nhân với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực về kinh doanh có kiến thức, tư duy, kỹ năng làm việc trong môi trường số, có năng lực thực hiện chiến lược chuyển đổi số cho doanh nghiệp, góp phần vào công cuộc CMCN 4.0 của Việt Nam.

Góp phần nâng cao kỹ năng và năng lực số cho lực lượng lao động

ĐHQGHN là đại học có vị thế lớn trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và nghiên cứu tại Việt Nam và quốc tế. Các chương trình của ĐHQGHN luôn được đánh giá là những chương trình liên kết tiên tiến, chất lượng cao. Đây là một lợi thế rất lớn cho chương trình cử nhân ngành Kinh doanh số. Uy tín và vị thế của ĐHQGHN sẽ giúp cho các chương trình đào tạo thu hút được quan tâm của người học và xã hội.

Khoa Quốc tế Pháp ngữ không những được thụ hưởng những ưu thế trên với tư cách là một Khoa trực thuộc trong ĐHQGHN mà còn là một tổ chức giáo dục rất có uy tín trong Cộng đồng Pháp ngữ. Ngoài ra, việc định hướng phát triển các hoạt động đào tạo, nghiên cứu của Khoa theo hướng đa ngành và liên ngành, dựa trên thế mạnh nền tảng về công nghệ thông tin cũng là một lợi thế quan trọng so với các đơn vị đào tạo khác trong và ngoài ĐHQGHN. Việc đào tạo định hướng chuyên sâu Kinh doanh số giúp Khoa Quốc tế Pháp ngữ phát huy được các lợi thế của mình.

CTDT digital business 01

Ngành cử nhân Kinh doanh số cung cấp các kiến thức tổng thể tích hợp kinh nghiệm làm việc trong môi kinh doanh số, phát triển các kỹ năng kinh doanh số cần thiết trong môi trường làm việc chuyên nghiệp. Đây là sự lựa chọn phù hợp trong bối cảnh mà sự tác động của CMCN 4.0 và chuyển đổi số đang ngày càng gia tăng. Việc cung cấp cho người học chương trình học với kiến thức kiến thức chung về kinh doanh, quản trị và khởi nghiệp sáng tạo (nguyên lý quản trị, kế toán, luật kinh tế, hệ thống thanh toán, tư duy thiết kế sáng tạo, khởi sự doanh nghiệp...); kiến thức chuyên sâu về kinh doanh số (marketing số, chiến lược kinh doanh số, phân tích dữ liệu kinh doanh...); đồng thời cung cấp các hiểu biết nền tảng về công nghệ và khả năng ứng dụng công nghệ trong kinh doanh (marketing số, e-commerce, AI và học máy trong kinh doanh, dữ liệu mở trong kinh doanh, lập trình...)... giúp người học triển khai một cách tự tin và hiệu quả các hoạt động kinh doanh trong môi trường số.

Sinh viên tốt nghiệp có năng lực tư duy phản biện, đổi mới sáng tạo, năng lực ứng dụng những công cụ thích hợp trong các dự án chuyển đổi số kinh doanh và có tư duy chiến lược, sẵn sàng phát triển hoạt động kinh doanh trên nền tảng công nghệ số, có năng lực tự chủ và trách nhiệm, khả năng làm việc độc lập và tự nghiên cứu học tập suốt đời. Chương trình hướng tới đào tạo nguồn nhân lực kinh doanh số chất lượng cao làm việc hiệu quả trong nhiều lĩnh vực đa dạng: Kinh doanh và kinh doanh số, thương mại và thương mại điện tử, logistic, chuỗi cung ứng, ngân hàng số, các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech)... hoặc là các chuyên gia tư vấn độc lập…

Việc mở chương trình mới này tại Khoa Quốc tế Pháp ngữ khẳng định vai trò tiên phong trong đào tạo các ngành/chương trình mới đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, khẳng định thế mạnh trong đào tạo các ngành liên ngành giữa kinh doanh và công nghệ thông tin. Việc đào tạo ngành cử nhân Kinh doanh số trong ĐHQGHN là hết sức cần thiết vì đây là ngành mới, có nhu cầu xã hội cao, thuộc lĩnh vực chiến lược quốc gia do vậy rất phù hợp với sứ mệnh của ĐHQGHN trong việc tiên phỏng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Đồng thời, việc đào tạo ngành này trong ĐHQGHN cũng giúp làm phong phú danh mục ngành và các chương trình đào tạo của mình, đặc biệt là các ngành/chương trình mới đáp ứng nhu cầu xã hội và xu thế phát triển của ngành, nghề mới trong tương lai.

Một số thông tin về chương trình đào tạo

- Tên ngành đào tạo:

+ Tiếng Việt: Kinh doanh số

+ Tiếng Anh: Digital Business

- Mã số ngành đề xuất: 7340103

- Trình độ đào tạo: Cử nhân

- Thời gian đào tạo: 4 năm

- Tên văn bằng tốt nghiệp:

+ Tên tiếng Việt: Cử nhân ngành Kinh doanh số

+ Tên tiếng Anh: The Degree of Bachelor in Digital Business

- Phương thức tuyển sinh:

(1) Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế của Bộ GD - ĐT và của ĐHQGHN;

(2) Xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024;

(3) Xét tuyển kết quả thi ĐGNL học sinh THPT do ĐHQG Hà Nội tổ chức;

(4) Xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (tiếng Anh, tiếng Pháp);

(5) Xét tuyển phương thức khác (kỳ thi chuẩn hóa ACT, A-level)

(6) Xét tuyển thí sinh là người nước ngoài và thí sinh là người Việt Nam đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương ở nước ngoài.


 
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã chống spam   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

global fanpage
VNU
global fanpage