Seminar "Từ chủ nghĩa Marx đến chủ nghĩa Hậu hiện đại"

Thứ hai - 18/06/2018 09:10

Sáng ngày 15 tháng 6 năm 2018, Viện Quốc tế Pháp ngữ kết hợp với Trung tâm Thông tin - Thư viện, ĐHQGHN đã tổ chức thành công seminar "Từ chủ nghĩa Marx đến chủ nghĩa Hậu hiện đại: Ảnh hưởng của triết học ngôn ngữ V.N. Voloshinov đối với các ngành khoa học xã hội và nhân văn". Đây là một sự kiện trong khuôn khổ chuỗi Seminar học thuật của Viện Quốc tế Pháp ngữ và Trung tâm Thông tin-Thư viện, ĐHQGHN.

Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ của V.N. Voloshinov là một trong những công trình quan trọng bậc nhất của thế giới trong thế kỷ XX, về ngôn ngữ học, triết học, văn học, văn hóa học, chính trị học, ký hiệu học và toàn bộ các khoa học xã hội và nhân văn nói chung. Tác giả cuốn sách thuộc về thế hệ những nhà tư tưởng kiệt xuất của Liên Xô những năm 1920-1930. Bị chủ nghĩa Marx máy móc đàn áp và do đó bị lãng quên một thời gian dài, nhưng khi được tái phát hiện và được dịch ra các thứ tiếng phương Tây trong hai thập niên 1960-1970, cuốn sách ngay lập tức trở thành một công trình kinh điển, có ảnh hưởng ngày càng to lớn. Trong cuốn sách, Voloshinov đã đưa ra hoặc dự cảm hầu như tất cả các khái niệm, ý tưởng và xu hướng lớn của khoa học xã hội và nhân văn cuối thế kỷ XX như giải kiến tạo, liên văn bản, nguyên lý đối thoại, tính đa thanh, diễn ngôn và thể loại diễn ngôn….

Diễn giả chính của Seminar là ông Ngô Tự Lập, một nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn đồng thời cũng là một dịch giả và người sáng tác ca khúc.        

Ông nhận bằng Tiến sĩ tại Illinois State University (Hoa Kỳ) năm 2006. Tác phẩm của ông được dịch và xuất bản tại nhiều nước như: Hoa Kỳ, Bỉ, Pháp, Ấn Độ, Thụy Điển, Canada, Trung Quốc, Thái Lan, CH Séc… Tập thơ song ngữ Anh-Việt Black Stars (Milkweed, USA, 2013), do Martha Collins và Ngô Tự Lập dịch, được đề cử giải PEN 2014 cho hạng mục thơ dịch (Poetry in Translation).

Tại buổi Seminar, ông Lê Bá Lâm - Phó giám đốc Trung tâm-Thư viện, ĐHQGHN, Đại diện Ban tổ chức đã phát biểu khai mạc Seminar. Trong bài phát biểu của mình, ông đánh giá rất cao ý nghĩa và vai trò của chủ đề Triết học Ngôn ngữ đồng thời nhấn mạnh sự hấp dẫn mà dịch giả Ngô Tự Lập tạo ra trong cuốn sách. 

Ông Võ Sinh Viên - Đại diện Nhà xuất bản ĐHQGHN - Đơn vị xuất bản bản dịch cuốn sách tham dự seminar và chúc mừng diễn giả.

Rất nhiều bạn trẻ và các nhà nghiên cứu quan tâm tới chủ đề đã có mặt và tham gia thảo luận sôi nổi.

 


 
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã chống spam   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

global fanpage
VNU
global fanpage