Giáo dục đại học và khát vọng Việt Nam 2045

Thứ sáu - 16/07/2021 03:53

Ngày 16/7/2021, sự kiện VSL-TALK 14 với chủ đề "Giáo dục đại học và khát vọng Việt Nam 2045" đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Sự kiện do Câu lạc bộ Nhà Khoa học ĐHQGHN (VSL) tổ chức với sự hỗ trợ của Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI).

Các diễn giả đang trao đổi với các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên. Từ trái qua phải: PGS.TS Nguyễn Ái Việt, TS. Lê Đình Tiến, GS.NGND Nguyễn Hữu Đức
Các diễn giả đang trao đổi với các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên. Từ trái qua phải: PGS.TS Nguyễn Ái Việt, TS. Lê Đình Tiến, GS.NGND Nguyễn Hữu Đức

Diễn giả của tọa đàm là GS.NGND Nguyễn Hữu Đức - Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy Ban Quốc gia Đổi mới GD&ĐT, Nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN. Khách mời gồm: TS. Lê Đình Tiến - Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, PGS.TS. Nguyễn Ái Việt - Nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN.

Hơn 200 nhà khoa học, giảng viên, sinh viên và những người quan tâm tham dự sự kiện online đến từ nhiều trường đại học trong và ngoài nước.

Để quốc gia thịnh vượng thì khoa học và giáo dục phải dẫn dắt các xu thế phát triển, cùng doanh nghiệp tham gia vào quá trình kiến tạo giá trị cho xã hội. Bởi vậy, cần có một cộng đồng để thúc đẩy khát vọng giáo dục đại học Việt Nam.

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, để hướng đến khát vọng đất nước phồn vinh, phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam phải thay đổi mô hình tăng trưởng. Theo đó, đại học không thể dừng lại ở mục tiêu chỉ quan tâm đến tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm và số lượng các ấn phẩm khoa học đã được xuất bản, mà cần chú trọng đến tỉ lệ sinh viên có khả năng khởi nghiệp và lượng  tri thức được thương mại hóa, đóng góp trực tiếp vào sự gia tăng giá trị xã hội.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho biết, đại học thế giới đã trải qua: thế hệ thứ nhất (đại học từ chương), thế hệ thứ hai (đại học nghiên cứu) và đã bước sang thế hệ thứ ba (đại học định hướng đổi mới sáng tạo).

Trên cơ sở nhận diện giáo dục đại học Việt Nam, GS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, văn hoá đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp còn yếu và chủ yếu là đại học định hướng các ấn phẩm. Do đó, cần có cách tiếp cận mới để phát triển giáo dục đại học phù hợp với xu thế mới và hội nhập thế giới. Theo đó, đại học Việt Nam cần sự chuyển mình và đổi mới từ truyền thụ kiến thức sang nâng cao năng lực, số lượng sang chất lượng, chuyển từ hệ thống giáo dục khép kín sang hệ thống mở và cần có sự tương tác, thích ứng với cơ chế thị trường.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc ĐHQGHN, Chủ tịch VSL phát biểu đề dẫn
PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc ĐHQGHN, Chủ tịch VSL phát biểu đề dẫn

Điều cốt lõi để nền giáo dục đại học chuyển động tiến lên phía trước đó là tạo niềm tin cho xã hội. Cùng với đó, khơi dậy và truyền thổi được tinh thần khởi nghiệp (entrepreneurship) là điều cần được đặc biệt chú trọng phát triển đối với đại học Việt Nam hiện nay. Các trường đại học cần phải kiến tạo văn hoá đổi mới sáng tạo một cách toàn diện và bền vững. Thậm chí, các chương trình đào tạo hướng đến đào tạo cử nhân đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực (BSc of innovation).

“Đại học Việt Nam cần có trách nhiệm đổi mới theo các định hướng cơ bản: Nêu cao tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số, đào tạo cá thế hóa và cổ vũ các giá trị đạo đức và liêm chính khoa học mới”, GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho biết.

Tại buổi toạ đàm, TS. Lê Đình Tiến nhấn mạnh, “Khát vọng 2045” được đề cập trong các văn kiện của Đảng. Đây là khát vọng của toàn dân tộc và phải được cụ thể hoá, biến thành khát vọng của từng cá nhân, từng tổ chức và trong từng lĩnh vực, trong đó có giáo dục đại học.

“Việc đầu tiên cần phải có nhận thức đúng về mô hình và sứ mệnh các trường đại học đổi mới sáng tạo, và nhận thức đó phải bắt đầu từ đội ngũ nhà khoa học, giảng viên trong các trường đại học”, TS. Lê Đình Tiến nhấn mạnh.

TS. Lê Đình Tiến cho rằng, hiện nay có sự giao thoa giữa các mô hình đại học, do đó cần làm rõ nội hàm giữa các trường đại học: đại học nghiên cứu, đại học đổi mới sáng tạo, từ đó có những chính sách phù hợp để thúc đẩy tính ưu việt của các mô hình đại học này tại Việt Nam.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Ái Việt, một trong những xu hướng đang rất phát triển hiện nay là mô hình liên kết đại học - doanh nghiệp, trong đó, vai trò của doanh nghiệp sẽ giúp trường đại học kiến tạo thêm nhiều giá trị cho xã hội thông qua các kết quả nghiên cứu được chuyển giao. Để mô hình hợp tác này hiệu quả, các trường đại học cần phát triển các dịch vụ khoa học và công nghệ để thúc đẩy liên kết hợp tác trường đại học - doanh nghiệp - nhà khoa học, đặc biệt là các trung tâm chuyển giao công nghệ.

Ông cũng cho rằng, trường đại học cần phải tạo cho sinh viên sự tự tin, chủ động và tinh thần làm chủ, dám thay đổi. Đây là những tố chất mà sinh viên Việt Nam hiện nay đang thiếu.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Ái Việt cũng cho rằng, chuyển đổi số mạnh mẽ đang mang lại cơ hội mới, tạo ra một nền tảng số với nhiều tính năng vượt trội sẽ giúp các đại học có cơ hội phát triển và bứt phá.

VSL 14 Giáo dục ĐH 2045 (9)

VSL 14 Giáo dục ĐH 2045 (5)

VSL 14 Giáo dục ĐH 2045 (12)

VSL 14 Giáo dục ĐH 2045 (11)

 


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã chống spam   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

global fanpage
VNU
global fanpage