Khoa Quốc tế Pháp ngữ

https://ifi.vnu.edu.vn:443


Nghiệm thu đề tài KHCN cấp tỉnh về Số hóa di tích Cây đa và đền La Tiến, Hưng Yên

Ngày 29/6/2022 tại Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên, IFI đã báo cáo nghiệm thu đề tài khoa học công nghệ (KHCN) “Nghiên cứu, biên soạn lịch sử và số hóa di tích Cây đa và đền La Tiến phục vụ hoạt động quản lý di tích lịch sử cách mạng tỉnh Hưng Yên” do IFI chủ trì.

Buổi báo cáo nghiệm thu được diễn ra với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị: Sở KH&CN Hưng Yên, Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch (VHTTDL) Hưng Yên, một số đơn vị quản lý di tích và di sản văn hóa tỉnh Hưng Yên, huyện Phù Cừ, và đại diện các đơn vị truyền thông.

Hội đồng đánh giá đề tài gồm 07 thành viên do Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hưng Yên làm Chủ tịch, Ông Đào Mạnh Huân, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hưng Yên làm Phó Chủ tịch, và các nhà khoa học trong lĩnh vực lịch sử, di sản, công nghệ thông tin (CNTT) đến từ các viện nghiên cứu và trường đại học tại Hà Nội và Hưng Yên.

z3540489026201 1f87b0b27a733a475fbe30301e64de49

Ông Nguyễn Xuân Hải phát biểu khai mạc lễ nghiệm thu

Về phía IFI và nhóm nghiên cứu có TS. Ngô Tự Lập, Viện trưởng, chủ nhiệm đề tài; TS. Đào Tùng, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác phát triển, thành viên đề tài; và CN. Nguyễn Thị Thu Hằng, thư ký đề tài.

z3540487428639 bda7ba6ccf2b07e98f4ecd14d6bf0bc9

Ông Ngô Tự Lập trao đổi với các thành viên Hội đồng

Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu, biên soạn lịch sử và số hóa di tích lịch sử Cây đa và đền La Tiến phục vụ hoạt động quản lý di tích lịch sử cách mạng, phục vụ bảo tồn, phát huy và quảng bá du lịch, học tập, giáo dục cho tỉnh Hưng Yên. Sản phẩm chính của đề tài là chương trình tham quan ảo di tích với hình ảnh chất lượng cao; kèm âm nhạc và bài hát; có phần lời bình bằng ba ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh kèm thuyết minh lời nói. Đây là cách tiếp cận số hóa mới và độc đáo tại Việt Nam và trên thế giới mà IFI là tiên phong và đã thành công trong những năm gần đây (một số dự án điển hình gồm Số hóa Nhà hát lớn Hà NộiSố hóa Bảo tàng tỉnh Hưng Yên).

Với tính sáng tạo và ý nghĩa của đề tài, 100% thành viên Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá đạt và nghiệm thu đề tài. Nhóm nghiên cứu đã nhận được nhiều góp ý giá trị từ các thành viên Hội đồng nghiệm thu và các chuyên gia, nhà quản lý tham dự Hội nghị. Đặc biệt, nhiều ý kiến khuyến nghị cần đẩy mạnh mô hình số hóa như của đề tài này trong thời gian tới để tăng cường quảng bá giá trị các di sản văn hóa, lịch sử của tỉnh Hưng Yên nói riêng và của cả nước nói chung.