Khoa Quốc tế Pháp ngữ

https://ifi.vnu.edu.vn:443


Hội thảo quốc tế "Vai trò của người điều hành trong việc xây dựng chiến lược và Kế hoạch phát triển Vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo"

Hội thảo quốc tế "Vai trò của người điều hành trong việc xây dựng chiến lược và Kế hoạch phát triển Vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo"
Ngày 02/07/2020, Hội thảo “Vai trò của người điều hành trong việc xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển Vườn ươm khởi nghiệp ĐMST” đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Hà Nội.

3

Viện trưởng Quốc tế Pháp ngữ (IFI) Ngô Tự Lập phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ “Nâng cao năng lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các cá nhân quản lý, vận hành doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức đầu tư vốn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, mã số 844.35.NV04.IFI.35-20, thuộc Đề án 844 - Hỗ trợ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 do Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) chủ trì và nhóm chuyên gia IDEAL (Nhóm chuyên gia về Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp) do TS, Phan Quốc Nguyên làm trưởng nhóm và chịu trách nhiệm. Đây là một trong hai nhiệm vụ quan trọng thuộc Đề án 844 do IFI trực tiếp đảm nhận.

Đến dự Hội thảo có đại diện của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Các chương trình quốc gia, Văn phòng Đề án 844 và IFI. Hội thảo cũng vinh dự được đón tiếp đại diện của Viện Nghiên cứu Châu Phi - Trung Đông (IAMES), Câu lạc bộ Nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội (VSL), Tập đoàn TIBCO (Hoa Kỳ), Tập đoàn AsiaInvest (Singapore), đại diện các nhà quản lý điều hành vườn ươm, các nhà đầu tư, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh và hỗ trợ khởi nghiệp và sự bảo trợ truyền thông của báo Diễn đàn Doanh nghiệp. Hội thảo cũng quy tụ các giảng viên, học giả, nhà nghiên cứu, v.v… đang quan tâm đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

TS. Phan Quốc Nguyên phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo có sự góp mặt của rất nhiều chuyên gia nổi tiếng trong và ngoài nước về lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cùng đại diện các doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề này. Với tư cách là chuyên gia kết nối, người chủ trì hội thảo và điều hành thảo luận, TS. Phan Quốc Nguyên đã đem đến cho Hội thảo một báo cáo về một vấn đề “nóng” trong hỗ trợ khởi nghiệp hiện nay - vấn đề thương hiệu và sở hữu trí tuệ. Tại Hội thảo, các báo cáo viên đã thể hiện sự quan tâm đến vai trò của nhà điều hành ở phương diện kết nối, kêu gọi đầu tư và tạo các điều kiện về công nghệ, kỹ thuật để giúp các startup triển khai dự án của mình.

Phát biểu tại Hội thảo, GS. Voon Yee Ho đã đưa ra các khái niệm và những vấn đề xoay quanh Startup và Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. GS. Voon chỉ rõ sự khác biệt giữa lập nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là khởi nghiệp từ những ý tưởng mới, những mô hình mới, những kết quả khoa học công nghệ mới, sau đó nhanh chóng phát triển thành doanh nghiệp để cạnh tranh toàn cầu và được đầu tư nhanh chóng. Bởi vậy, nếu chỉ đơn thuần là mở ra một cửa hàng hay làm lại một mô hình không có khả năng nhân rộng toàn cầu thì đó không phải là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đi sâu hơn về các vấn đề liên quan đến Vườn ươm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, GS. Nedeljko Milosavljevic đưa đến Hội thảo bài tham luận “Chiến lược xây dựng và vận hành Vườn ươm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. GS. Nedeljko khẳng định vai trò của Vườn ươm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là vô cùng to lớn đối với việc phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng và toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung. Vậy cần xây dựng và vận hành Vườn ươm như thế nào để đạt được hiệu quả tối ưu? Vườn ươm cần có mục tiêu rõ ràng và có thể định lượng, cũng như các mục tiêu hoạt động cụ thể; chính sách quản lý cần hợp lí, theo từng giai đoạn phát triển của Vườn ươm; cơ cấu tổ chức cần rõ ràng, chuyên biệt về chức năng và Vườn ươm cần tạo được sự kết nối giữa các doanh nghiệp đang được ươm tạo và doanh nghiệp đã tốt nghiệp, các vườn ươm doanh nghiệp khác, các tổ chức, doanh nghiệp…

TS. Hoàng Thị Bảo Thoa đưa đến Hội thảo một góc nhìn mới về Hình thành đội ngũ lãnh đạo vườn ươm qua Phát triền chương trình đào tạo đại học đáp ứng yêu cầu thế kỷ 21. Tại nhiều nước trên thế giới, trường đại học giữ một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia, và ươm tạo khởi nghiệp là một cấu phần cần thiết để góp phần gia tăng số doanh nghiệp thành công, tạo thêm việc làm và cải thiện kinh tế - xã hội. Theo TS. Hoàng Thị Bảo Thoa, ở nước ta, việc hình thành đội ngũ lãnh đạo vườn ươm qua việc phát triển chương trình đào tạo đại học cần được tích cực xây dựng và hoàn thiện để có những thế hệ lãnh đạo vườn ươm ưu tú, có trình độ chuyên môn cao, góp phần thúc đẩy các phong trào vườn ươm và khởi nghiệp sáng tạo. TS. Hoàng Thị Bảo Thoa đưa ra một số đề xuất nhằm phát huy tốt vai trò của một vườn ươm trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như cần hình thành mạng lưới đào tạo đội ngũ giảng viên ở cấp quốc gia thông qua khóa tập huấn theo kế hoạch, chuyên đề và cấp chứng chỉ; đồng thời hệ thống khởi nghiệp cần sớm hình thành hệ thống website và kết nối với nhau cung cấp các cơ sở dữ liệu, thông tin của các cơ sở đào tạo, hệ thống giảng viên, các chương trình/khóa đào tạo khởi nghiệp phong phú để đáp ứng nhu cầu đào tạo trực tuyến của người học, sinh viên; khuyến khích các sinh viên trong các lĩnh vực khác nhau cùng thành lập đội/nhóm khởi nghiệp như: công nghệ, công nghệ thông tin, nông nghiệp, y tế… để các dự án khởi nghiệp không chỉ mang tính đột phá mà còn có tính khả thi, không chỉ đổi mới sáng tạo mà còn gắn với thị trường với các sản phẩm/giải pháp thiết thực.

Để khép lại buổi Hội thảo, TS. Lê Thanh Huyền trình bày về vấn đề vận hành mô hình khởi nghiệp giáo dục trải nghiệm sáng tạo cho vườn ươm sinh viên Việt Nam.

Trong cuộc phòng vấn ngắn gọn sau Hội thảo, TS. Ngô Tự Lập, Viện trưởng IFI, đại diện đơn vị chủ trì, cho biết: "Trước đây, quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp được cho là một nhưng trong bối cảnh hiện nay cần phân biệt rõ hai phạm trù này. Quản lý doanh nghiệp tức là tổ chức các hoạt động theo quy trình đã được lập ra và đảm bảo quá trình vận hành tốt để đạt được các mục đích đã được đặt ra; trong khi đó, lãnh đạo doanh nghiệp phải là người phát hiện ra các sản phẩm mới, dịch vụ mới, phương thức mới và cách tiếp cận mới. Lãnh đạo lúc này gần với nghệ sỹ khi sáng tạo ra những sản phẩm chưa từng có. Chính điều đó đã khiến cho vai trò của nhà điều hành các vườn ươm trong kỷ nguyên số càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết".

Hội thảo đã trao đổi, phân tích nhiều khía cạnh khác nhau xoay quanh vấn đề vai trò của người điều hành trong việc xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển Vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hội thảo đã thu hút đông đảo người tham gia trong và ngoài nước và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với các đại biểu, báo cáo viên tham gia.