Khoa Quốc tế Pháp ngữ

https://ifi.vnu.edu.vn:443


Lễ Khai mạc khóa tập huấn "Nâng cao năng lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo"

Lễ Khai mạc khóa tập huấn "Nâng cao năng lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo"
Ngày 02/07/2020, tại Phòng học Thông minh của Vườn ươm 3i, Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) đã diễn ra Lễ Khai mạc khóa tập huấn “Nâng cao năng lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

1

Khóa tập huấn này nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ “Nâng cao năng lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các cá nhân quản lý, vận hành doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức đầu tư vốn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, mã số 844.35.NV04.IFI.35-20, thuộc Đề án 844 - Hỗ trợ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 do IFI chủ trì và nhóm chuyên gia IDEAL (Nhóm chuyên gia về Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp) do TS. Phan Quốc Nguyên làm trưởng nhóm và chịu trách nhiệm. Đây là một trong hai nhiệm vụ quan trọng thuộc Đề án 844 do IFI trực tiếp đảm nhận.

Đối tượng của khóa tập huấn là các cá nhân quản lý, vận hành vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Khóa tập huấn diễn ra trong 5 ngày (2, 5, 8, 11,13/7/2020) với nhiều hoạt động chính khóa và ngoại khóa thú vị. 15 chuyên đề thuộc bốn module kiến thức khác nhau đã được giảng dạy trực tiếp và thông qua hình thức họp trực tuyến với sự tham gia của sáu chuyên gia quốc tế và năm chuyên gia Việt Nam. Thành viên của nhóm chuyên gia IDEAl giữ vai trò chủ chốt trong việc đào tạo và kết nối để thực hiện công việc giảng dạy.

2

Các chuyên gia quốc tế đến từ nhiều nước khác nhau đã đem lại sắc màu và chất lượng quốc tế cho khóa học, trong đó có thể kể đến một số tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp như TS. Đào Minh Quang (CHLB Đức) – sáng lập viên kiêm chủ tịch Quỹ Đào Minh Quang (*); GS. Irene Calboli (Hoa Kỳ) - giảng viên khoa Luật, Đại học Luật Texas, chủ tịch Mạng lưới Sở hữu Trí tuệ và Đổi mới sáng tạo châu Á - Thái Bình Dương của Anh; GS. Sandu Andrei Victor (Rumania) - giảng viên Đại học Công nghệ Gheorghe Asachi, nghiên cứu viên cao cấp của Học viện Nghiên cứu Quốc gia Rumania, chủ tịch Hiệp hội sáng tạo và Sáng chế Rumani; GS. Nedeljko Milosavljević (Serbia) - kiểm định viên Cơ quan Điều hành doanh nghiệp vừa và nhỏ (EASME) của Ủy ban châu Âu tại Bỉ, chủ tịch Liên minh Đổi mới kinh doanh 17 + 1, HQ Belgrade (Serbia), đồng sáng lập công ty Digital Bite Industries, start-up, Cyprus, chuyên gia về Chuyển giao công nghệ của Ủy ban châu Âu tại Bỉ, thành viên của Hội đồng Doanh nhân trẻ; GS Voon Jee Ho – Giảng viên và cố vấn Đổi mới sáng tao của Đại bọc Công nghệ Nanjang, người đã có nhiều kinh nghiệm và cống hiến cho việc hỗ trợ các startup… Đồng hành cùng khóa tập huấn là các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam như TS. Phan Quốc Nguyên, TS. Hoàng Thị Bảo Thoa, NCS. Nguyễn Mai Hương, TS. Lê Thanh Huyền, TS. Trần Huy Tùng, ThS. Trương Thu Hà, v.v...

Khóa tập huấn được chia thành bốn giai đoạn. Ở giai đoạn thứ nhất, học viên được “kick off” tinh thần đổi mới sáng tạo trong quản lý và vận hành vườn ươm. Giai đoạn thứ hai cung cấp kiến thức, kỹ năng chuyên sâu, đem đến cho học viên kiến thức nền tảng về các khía cạnh của khởi nghiệp sáng tạo như Design Thinking đối với các cá nhân và tổ chức đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; quản trị tài sản trí tuệ; giá trị, thương hiệu doanh nghiệp; thực tiễn sở hữu trí tuệ tại Việt Nam; quy trình và quản lý các dự án đầu tư; thẩm định dự án đầu tư; xây dựng kế hoạch kết nối và hành động; xây dựng kế hoạch tài chính cho dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phương pháp tìm kiếm đối tượng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển startup; chuẩn bị nguồn vốn và kết nối gọi vốn đầu tư từ đối tác. Học viên sẽ có khoảng thời gian để khắc sâu kiến thức và áp dụng thực tế trước khi bước vào giai đoạn thứ ba - vận dụng, đổi mới, sáng tạo với các chuyên đề vận dụng nâng cao. Qua khóa tập huấn, học viên được trang bị những kiến thức, kĩ năng cần thiết và chuyên sâu về những phương pháp, quy trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; vận dụng được quy trình đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp vào các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tìm kiếm nhanh chóng đối tượng (cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp…) khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đầu tư, quản trị danh mục đầu tư vào các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Các buổi học diễn ra sôi nổi, hào hứng và nhận được phản hồi tích cực của học viên. Kết thúc khóa học, học viên Nguyễn Hữu Lương - Phó Giám đốc Trung tâm - Phụ trách các lĩnh vực Khởi nghiệp ĐMST, Vườn ươm DN; xây dựng chính sách hỗ trợ DNNVV thuộc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội - Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã phát biểu: “Tôi thực sự ngạc nhiên trước độ sâu rộng của các kiên thức trong khóa học. Tôi cảm ơn Ban tổ chức cùng Đề án 844 đã hỗ trợ chúng tôi để quản lý vận hành vườn ươm được tốt hơn”.

Ngoài ra, các học viên tham gia khóa học sẽ có cơ hội được tham dự các sự kiện liên quan đến ĐMST và khởi nghiệp khác do IFI phối hợp cùng các đơn vị khác tổ chức:

  • Chuỗi hội thảo dự kiến tổ chức vào 7,10,11/2020;
  • Các chương trình giao lưu chia sẻ thông tin giữa các Vườn ươm khởi nghiệp;
  • Buổi tham quan học hỏi về Khởi nghiệp 4.0 (dự kiến tại Hà Giang);
  • Matching Day: Ngày hội kết nối giữa các đội nhóm khởi nghiệp, Vườn ươm, Mentors, Nhà đầu tư…;
  • Pitching Day: Cuộc thi khởi nghiệp lớn nhất có quy mô trong và ngoài ĐHQGHN

------------------------------

Chú thích trong bài:

(*): Quỹ Đào Minh Quang được Bộ Tư pháp và Bảo vệ Người tiêu dùng của Berlin, CHLB Đức chính thức công nhận là một tổ chức pháp lý độc lập). Mục tiêu của Quỹ Đào Minh Quang là khuyến khích các hoạt động hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Đức, đặc biệt trên các lĩnh vực giáo dục phổ thông, đào tạo nghề và đào tạo đại học, phát triển nông nghiệp bền vững cũng như âm nhạc và văn hoá. Hiện nay, Quỹ Đào Minh Quang cũng đang tài trợ và ủng hộ cho các hoạt động lập nghiệp và khởi nghiệp.