Khoa Quốc tế Pháp ngữ

https://ifi.vnu.edu.vn:443


Tổng kết Khoá tập huấn “Tư duy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” dành cho sinh viên

Trong các ngày 27, 28, 29/8/2020 và sáng ngày 06/9/2020, tại tầng 10 nhà A1 Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HAUI) đã diễn ra Khoá đào tạo “Tư duy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”. Khóa đào tạo thuộc Đề án Hỗ trợ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 với nhiệm vụ “Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức chính trị - xã hội” do Viện Quốc tế Pháp ngữ- IFI chủ trì.

Đối tượng được hướng tới trong khóa học này là 50 sinh viên của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Học viên và giảng viên khóa đào tạo “Tư duy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” sau một buổi tập huấn.
Học viên và giảng viên khóa đào tạo “Tư duy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” sau một buổi tập huấn.

Khoá đào tạo được thực hiện bởi nhiều chuyên gia danh tiếng trong và ngoài nước về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, có thể kể đến một số tên tuổi của các chuyên gia quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và khởi nghiệp như GS. Jane Ginsburg. Bà Jane C. Ginsburg hiện là Giám đốc Trung tâm Luật, Truyền thông và Nghệ thuật thuộc Trường Đại học Columbia, Hoa Kỳ. Bà đã có nhiều năm giảng dạy các bộ môn phương pháp lý luận, luật về quyền tác giả và luật nhãn hiệu tại Trường Đại học Luật Columbia. Bà cũng có nhiều kinh nghiệm thực tiễn cũng như cơ sở lý luận trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Bà tốt nghiệp Trường Đại học Chicago (B.A. năm 1976 và bằng M.A. năm 1977), bà Ginsburg nhận bằng Tiến sĩ năm 1980 tại Trường Đại học Harvard, Hoa Kỳ. Bà đã được nhận học bổng Fulbright và hoàn thành chương trình học ngoại giao vào năm 1985, nhận bằng Tiến sĩ ngành Luật năm 1995 của Trường Đại học Paris II, Cộng hòa Pháp. Bà là thành viên của Hiệp hội Triết học Hoa Kỳ, thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học & Nghệ thuật Hoa Kỳ, và là thành viên danh dự của Trường Đại học Emmanuel, Đại học Cambridge, Vương quốc Anh. Bà không chỉ nổi tiếng về học thuật, giảng dạy và kinh nghiệm, bà còn nổi tiếng vì còn là con gái của Phó Chánh án Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ Ruth Bader Ginsburg – hiện vẫn đang tại chức. Năm 2015, kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, hai mẹ con bà Ruth Bader Ginsburg và Jane C. Ginsburg đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam, được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình tiếp đón long trọng. Năm 2018, lấy cảm hứng từ cuộc đời vị nữ thẩm phán tinh thông nổi tiếng, luôn đấu tranh cho quyền bình đẳng giới Ruth Bader Ginsburg, Hollywood đã xây dựng một bộ phim về cuộc đời thật của bà và con gái, bộ phim có tên “On the basis of sex”.

Tham gia giảng dạy chuyên đề Bí mật công nghệ là GS. Voon Jee Ho – Giảng viên và cố vấn Đổi mới sáng tao của Trường Đại học Công nghệ Nanjang. GS. Voon Jee Ho hiện cũng là chủ tịch quỹ Techbridge - Quỹ đầu tư mạo hiểm cho khoa học công nghệ và các start-up. Ông có nhiều kinh nghiệm và cống hiến cho việc hỗ trợ các start-up trên toàn thế giới. GS. Voon Jee Ho là chuyên gia có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển công nghệ và thương mại hóa, từng hợp tác với nhiều trường đại học, công ty lớn trên khắp thế giới.

Các học viên cũng vô cùng hào hứng với những kiến thức thực tế, mới mẻ từ bài giảng của TS. Phan Quốc Nguyên (luật sư sáng chế và sở hữu trí tuệ, chuyên gia có thâm niên và uy tín lớn trong và ngoài nước về lĩnh vực đổi mới sáng tạo) và doanh nhân Bùi Tùng Lâm (chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư Solary). Các học viên đánh giá rất cao bài giảng của các chuyên gia đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội có chuyên môn về lĩnh vực đổi mới sáng tạo như TS. Hoàng Thị Bảo Thoa, giảng viên Trường Đại học Kinh tế; TS. Đào Thị Diệu Linh, giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ; TS. Lê Thanh Huyền, giảng viên Trường Đại học Giáo dục…

Khoá đào tạo hướng tới mục tiêu thay đổi tư duy giúp người học sẵn sàng đón nhận những thử thách, cơ hội, chấp nhận những sự đa dạng, khác biệt. Sau khoá đào tạo, người học có thể làm việc theo đội nhóm một cách hiệu quả, giải quyết các vấn đề từ mọi lĩnh vực một cách khoa học của tư duy thiết kế, có khả năng bảo vệ sở hữu trí tuệ của bản thân và có kỹ năng kiến thức để khởi nghiệp tinh gọn. Trên cơ sở này, khóa đào tạo đem lại cơ hội khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các cuộc thi khởi nghiệp, đem ý tưởng của sinh viên đến gần hơn với các nhà đầu tư thiên thần, từ đó tăng số lượng và chất lượng các nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, đặc biệt là từ các nhóm sinh viên.

Sảm phẩm sáng tạo của các bạn sinh viên

Khóa học nhận được sự đón nhận, hào hứng và những lời khen ngợi đến từ phía lãnh đạo nhà trường, các giảng viên và sinh viên tham gia khóa đào tạo. Bạn Đoàn Thị Nguyệt, học viên khóa đào tạo chia sẻ: “Khóa học đem đến cho em rất nhiều điều bổ ích. Em có được cách nhìn nhận vấn đề mới mẻ, tích cực và đa chiều hơn, đồng thời có những tư duy mới mẻ và sáng tạo. Em cảm ơn thầy cô đã tạo điều kiện cho chúng em tham dự khóa học này. Khóa học rất ý nghĩa ạ!”

Buổi lễ tổng kết cuối khóa học đã diễn ra trong sự hào hứng và trang nghiêm. Các sinh viên được nhận giấy chứng nhận hoàn thành khóa tập huấn từ tay của các vị đại biểu và khách mời, trong đó có các lãnh đạo của các Khoa, lãnh đạo của nhà trường…

Khóa tập huấn thành công và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên không chỉ nhờ vào sự nỗ lực của ban tổ chức và các chuyên gia mà còn nhờ sự ủng hộ nhiệt tình và tạo điều kiện của ban lãnh đạo Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Khóa tập huấn đã mở ra nhiều cơ hội giao lưu và nhiều hướng đi tích cực đối với tất cả các học viên tham dự. Các sản phẩm của khóa học sẽ tiếp tục được hoàn thiện để đưa vào thực tế qua nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp khác nhau của đề án 844.